Các yếu tố nguy cơ và biện pháp phòng ngừa sinh non

Sinh non là một trong những biến chứng sản khoa nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của cả mẹ lẫn bé. Vì vậy, các mẹ bầu cần tìm hiểu nguyên nhân và dấu hiệu sinh non để chuẩn bị tốt cho một cuộc vượt cạn an toàn. Hãy cùng Phòng khám sản Hồng Hà tìm hiểu các yếu tố nguy cơ và biện pháp phòng ngừa sinh non cho các mẹ bầu nhé.

Sinh non là gì?

Sinh non, hay đẻ non, là khi trẻ được sinh ra trước 37 tuần tuổi thai, trong khoảng thời gian từ 22 tuần đến trước 37 tuần. Một thai kỳ bình thường kéo dài khoảng 9 tháng 7 ngày (tương đương 40 tuần), được chia thành 3 giai đoạn: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu trẻ sinh non trên toàn cầu, chiếm tỉ lệ 1/10 trẻ sơ sinh. Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi, với khoảng 1 triệu trẻ tử vong do các biến chứng liên quan. Nhiều trẻ sinh non sống sót nhưng phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe kéo dài, bao gồm khuyết tật về thần kinh, tim mạch, thị giác và thính giác.

Tại Việt Nam, tình trạng sinh non đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ sinh non trung bình cả nước hiện là khoảng 7%, tương đương với khoảng 100.000-110.000 trẻ sinh non mỗi năm.

Sinh non, hay đẻ non, là khi trẻ được sinh ra trước 37 tuần tuổi thai

Phân loại mức độ sinh non

Sinh non được phân loại theo tuổi thai thành các mức độ sau:

  • Cực non: Bé sinh ra trước 28 tuần tuổi thai.
  • Rất non: Bé sinh từ 28 đến 31 tuần 6 ngày.
  • Non trung bình: Bé sinh từ 32 đến 33 tuần 6 ngày.
  • Non muộn: Bé sinh từ 34 đến 36 tuần 6 ngày.

Khoảng 80% trẻ sinh non thuộc nhóm sinh non mức độ vừa và nhẹ (tuổi thai từ 32 đến 37 tuần, cân nặng từ 1.500g – 2.500g). Tuy nhiên, những trẻ này vẫn có nguy cơ tử vong cao nếu không được chăm sóc đầy đủ, như giữ ấm, nuôi dưỡng bằng sữa mẹ, vệ sinh phòng chống nhiễm trùng. Ở các quốc gia thu nhập thấp, tỷ lệ tử vong ở trẻ sinh non ở độ tuổi thai từ 28 đến 32 tuần có thể lên tới hơn một nửa do thiếu sự chăm sóc y tế đặc biệt.

Dấu hiệu sinh non

Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây trong quá trình mang thai, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được xử trí kịp thời:

  • Đau lưng âm ỉ;
  • Cảm giác em bé đẩy xuống phía dưới;
  • Sưng ở tay, chân hoặc mặt;
  • Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy;
  • Mờ mắt hoặc các rối loạn thị giác;
  • Đau bụng quặn như đau bụng kinh;
  • Bé cử động ít hoặc ngừng cử động;
  • Dịch âm đạo bất thường (chảy máu hoặc dịch tiết khác thường).

Nguyên nhân sinh non

Khoảng 50% trường hợp sinh non không xác định được nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ như:

Yếu tố xã hội:

  • Thiếu chăm sóc thai kỳ đầy đủ, đời sống kinh tế khó khăn, suy dinh dưỡng, lao động nặng nhọc khi mang thai.
  • Độ tuổi thai phụ: dưới 20 tuổi hoặc trên 35 tuổi.
Khoảng 50% trường hợp sinh non không xác định được nguyên nhân rõ ràng

Yếu tố từ phía mẹ:

  • Các bệnh lý như nhiễm trùng đường tiết niệu, chấn thương bụng, hoặc phẫu thuật bụng khi mang thai.
  • Tiền sử bệnh tim, thận, gan, sản giật, tiền sản giật cũng làm tăng nguy cơ sinh non.
  • Các yếu tố như tử cung dị dạng, hở eo cổ tử cung, hoặc tiền sử sinh non trước đó.

Yếu tố từ thai và phần phụ:

  • Đa thai (10-20% sinh non), rau tiền đạo, nhiễm trùng ối, vỡ ối sớm, rau bong non là những yếu tố nguy cơ khác.

Để xác định nguyên nhân sinh non, bác sĩ sẽ đánh giá tổng thể tiền sử bệnh lý của mẹ và các yếu tố nguy cơ từ thai kỳ.

Sinh non có nguy hiểm không?

Trẻ sinh non có thể gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe vì cơ thể chưa hoàn thiện đủ để thích nghi với môi trường ngoài tử cung. Các vấn đề sức khỏe ngắn hạn và dài hạn có thể gặp phải bao gồm:

Các vấn đề ngắn hạn:

  • Rối loạn hô hấp, suy hô hấp.
  • Rối loạn thân nhiệt.
  • Vấn đề về tim mạch.
  • Vàng da sơ sinh.
  • Thiếu máu và nhiễm trùng sơ sinh.

Các vấn đề dài hạn:

  • Chậm phát triển ngôn ngữ và vận động.
  • Các vấn đề về nha khoa, thị lực hoặc thính giác.
  • Khó khăn trong học tập và suy nghĩ, cũng như vấn đề về tâm lý.

Mặc dù hầu hết trẻ sinh non sẽ phát triển bình thường, nhưng các em có nguy cơ cao mắc các vấn đề phát triển, vì vậy cần theo dõi sức khỏe và sự phát triển của trẻ thường xuyên.

Chẩn đoán sinh non

Thăm khám định kỳ để phát hiện sớm dấu hiệu sinh non

 

Chuyển dạ sinh non thường bắt đầu bất ngờ, và các dấu hiệu chuyển dạ sớm có thể bao gồm:

  • Các cơn gò tử cung: 4 cơn trong 20 phút hoặc 8 cơn trong 60 phút;
  • Cổ tử cung mở ≥ 2cm hoặc xoá mỏng ≥ 80%;
  • Vỡ ối, thay đổi dịch tiết âm đạo;
  • Áp lực vùng chậu, cảm giác bé tụt xuống;
  • Đau lưng hoặc đau bụng quặn.

Nếu có dấu hiệu sinh non, bạn nên liên hệ ngay với bệnh viện có chuyên khoa hồi sức sơ sinh để được cấp cứu kịp thời.

Phương pháp điều trị sinh non

Khi có dấu hiệu sinh non, sản phụ cần được chuyển đến bệnh viện có đơn vị chăm sóc đặc biệt (NICU) để hỗ trợ trẻ sơ sinh. Các bác sĩ có thể sử dụng thuốc để ngừng cơn co thắt tử cung và corticosteroid để tăng cường chức năng phổi của trẻ. Tùy thuộc vào tình trạng và sự phát triển của bé, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp sinh mổ hay sinh thường.

Ngay sau khi bé ra đời, 60 phút đầu tiên rất quan trọng để quyết định sự sống còn của trẻ. Các biện pháp cấp cứu, bao gồm giữ ấm, hỗ trợ hô hấp (sử dụng CPAP không xâm lấn), sàng lọc bệnh lý, và kiểm tra tim bẩm sinh sẽ được thực hiện để đảm bảo sức khỏe của bé.

Với sự hỗ trợ y tế hiện đại và đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, nhiều trẻ sinh non có thể phát triển bình thường và sống khỏe mạnh.

Chăm sóc sau sinh non

Thai phụ
Sau khi sinh non, mẹ có thể gặp khó khăn về tâm lý, lo lắng về tình trạng của bé. Tùy theo tình trạng sức khỏe của trẻ, bác sĩ sẽ lên phác đồ chăm sóc riêng, vì vậy mẹ cần nghỉ ngơi đầy đủ và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Mẹ cũng nên duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, theo dõi sức khỏe mỗi ngày và để ý các triệu chứng bất thường như sốt, đau bụng, sản dịch hay đau ngực. Sau sinh, mẹ cần vệ sinh cơ thể hàng ngày để tránh viêm nhiễm. Nếu sinh mổ, chú ý vệ sinh vùng âm hộ sau khi tiểu tiện và đại tiện. Việc vận động nhẹ sau sinh là cần thiết để phục hồi sức khỏe, đồng thời mẹ cũng cần khám lại sau một tuần để đảm bảo an toàn sức khỏe.

Trẻ sinh non
Trẻ sinh non cần được chăm sóc đặc biệt trong 2 năm đầu, đặc biệt là khi bé có cân nặng dưới 1kg. Một số lời khuyên bao gồm:

  • Thăm khám định kỳ: Mẹ nên đưa bé đi tái khám thường xuyên để đảm bảo bé tăng cân và phát triển tốt.
  • Dinh dưỡng: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Nếu bé gặp khó khăn khi bú, bác sĩ có thể hướng dẫn cách bú phù hợp. Trẻ sinh non có thể cần bổ sung sắt vì cơ thể thiếu hụt khoáng chất này.
  • Theo dõi sự phát triển: Trẻ sinh non có thể phát triển chậm hơn so với trẻ đủ tháng trong những năm đầu đời. Bác sĩ sẽ theo dõi các mốc phát triển như ngồi, bò, và các hoạt động khác.
  • Chế độ ăn dặm: Bé thường được bắt đầu ăn dặm từ 4-6 tháng sau ngày dự sinh ban đầu (không phải ngày sinh).
  • Giấc ngủ: Trẻ sinh non có thể ngủ nhiều hơn nhưng thời gian ngắn hơn so với trẻ đủ tháng. Bé nên ngủ ngửa để giảm nguy cơ SIDS.
  • Kiểm tra thị giác và thính giác: Trẻ sinh non có thể gặp vấn đề về mắt hoặc thính giác, do đó cần được kiểm tra thường xuyên.
  • Tiêm chủng: Trẻ sinh non cần tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là tiêm phòng cúm để bảo vệ bé khỏi các bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, trẻ sinh non cần được kiểm tra sàng lọc sơ sinh để phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn, giúp đảm bảo sức khỏe tối đa.

Phòng tránh sinh non

Dù không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa sinh non, mẹ có thể thực hiện các bước sau để giảm thiểu rủi ro:

Trước khi mang thai:

Chuẩn bị kiến thức đầy đủ về sinh sản và tránh có thai quá nhiều lần. Cần lưu ý nghề nghiệp và chế độ dinh dưỡng để duy trì sức khỏe tốt cho cả mẹ và thai nhi.

Khi mang thai

Khi mang thai, mẹ bầu cần thực hiện những biện pháp quan trọng để giảm nguy cơ sinh non, bao gồm:

  • Không hút thuốc lá: Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ sinh non và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
  • Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và bổ sung vitamin: Chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng, giúp mẹ và bé khỏe mạnh. Vitamin và khoáng chất như axit folic, sắt, canxi là cần thiết trong suốt thai kỳ.
  • Giảm stress: Stress kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ, vì vậy mẹ bầu cần thư giãn, tránh căng thẳng và tìm cách giải tỏa stress hợp lý.
  • Khám thai định kỳ: Thực hiện các cuộc thăm khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe có thể gây ảnh hưởng đến thai kỳ.

Đặc biệt, đối với sản phụ có nguy cơ sinh non trước tuần thai thứ 34, bác sĩ có thể chỉ định Corticoid trước sinh. Steroid giúp kích thích sản xuất surfactant trong phổi của thai nhi. Surfactant là một chất có khả năng làm giảm sức căng bề mặt và duy trì sự ổn định của phế nang, ngăn ngừa xẹp phế nang, giúp phổi phát triển và hoạt động hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, surfactant chỉ được sản xuất khi thai nhi đạt đến tuần thứ 26. Vì vậy, những trẻ sinh non ở tuần 24, 25 thường chưa có đủ lượng surfactant để giúp phổi hoạt động bình thường. Khi có dấu hiệu vỡ ối, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh dự phòng cho mẹ và chuyển sản phụ đến bệnh viện có đơn vị hồi sức sơ sinh đầy đủ để sinh.

Tại Phòng khám sản Hồng Hà, rất nhiều ca đã được thăm khám để phát hiện nguy cơ và chỉ định các biện pháp giảm thiểu tối đa các rủi ro về sinh non có thể gặp phải. Vậy nên các mẹ bầu cần thăm khám thai định kỳ để theo dõi sức khảo cho mẹ và bé phòng tránh và hạn chế các rủi ro trẻ sinh non.